Đối với tôi, việc pick up, tán tỉnh và tìm hiểu về tâm lý là đam mê của tôi, không có nó cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa mặc dù tôi có bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Còn bạn thì sao? Đam mê của bạn là gì? Bạn đã tìm ra đam mê của mình chưa?
Đã bao giờ bạn thức dậy trong tình trạng mệt mỏi, cảm thấy áp lực khi phải đối mặt với lịch làm việc, học tập dày đặc lặp đi lặp lại mỗi ngày? Đã bao giờ bạn thấy công việc bạn đang làm thực sự nhàm chán, bạn thấy việc học tập, làm việc hiện tại chỉ để cuộc sống của bạn diễn ra suôn sẻ, chứ thực sự bạn không hứng thú? Bạn vừa học vừa mong đồng hồ chạy qua thật nhanh? Bạn làm việc và chỉ mong được nghỉ? Nhưng cuộc sống là vậy, thời gian cứ trôi, và cuộc đời buộc bạn phải hoạt động, phải trôi theo nó, cho dù bạn cảm thấy áp lực hay nhàm chán đến đâu.
Thực sự đó là cách nhìn sẽ hủy hoại đi cái ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc đời chúng ta cũng sẽ trôi qua như những ngôi sao băng, không để lại một chút dấu ấn.
Vậy đâu là cách chúng ta sống có ý nghĩa?
Mỗi cá nhân chúng ta là một cá thể riêng biệt. Bạn hãy nhớ rằng bạn không giống bất kì một ai trên Trái Đất này cả. Bạn được sinh ra một lần, và bạn chỉ có thể sống một cuộc đời mà thôi, một cuộc đời mà chắc chắn sẽ không kéo dài vô tận. Trên tinh thần đó, chúng ta nhận thấy, mình nhất định không thể sống như là một bản copy cuộc đời của những người khác được. Bạn phải được mỗi ngày làm những điều bạn yêu thích, tạo cho bạn cảm hứng. Bạn phải nỗ lực hết mình để làm những công việc mang lại cho ta niềm vui, và khiến cuộc đời của chúng ta trở nên có ý nghĩa, khác biệt so với tất cả mọi người. Ta gọi đó là SỐNG VỚI ĐAM MÊ.
I. ĐỊNH NGHĨA ĐAM MÊ
Đam mê tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta, làm cho cuộc đời đáng sống hơn, vậy đam mê là gì?
Tôi có thể định nghĩa: Đam mê là khi bạn có cảm hứng, bạn thích, bạn yêu một công việc nào đó, bạn dồn toàn tâm toàn ý, dành thời gian, công sức, không ngừng nghỉ để theo đuổi một công việc nào đó.
Rất nhiều người đồng hoá đam mê với sở thích, với ước mơ, với khát vọng… Bạn hâm mộ Sơn Tùng, bạn thích hát, bạn sẽ có đam mê trở thành ca sĩ? Bạn xem phim Ironman(Người sắt) và thấy các phát minh vĩ đại của anh, bạn lại đam mê trở thành một chuyên gia công nghệ và mong một ngày tạo ra được các phát minh như thế? Bạn chỉ thấy thích, bạn chỉ mong muốn, bạn mơ một ngày bạn có được những thành công như họ? Đó chưa đủ để tạo thành một đam mê, đó chưa đủ để bạn nghĩ cả cuộc đời bạn sẽ gắn liền với nó, để nó trở thành lẽ sống của bạn. Bởi sao ư? Chướng ngại lớn nhất ngăn cản một sở thích, một ước mơ đi tới thành công là bạn chưa hiểu rõ về sở thích, ước mơ của mình, về những khó khăn, trở ngại bạn sẽ gặp phải, bạn chưa bắt đầu làm nó, và bạn không thể dùng nỗ lực, ý chí của bản thân để kiên trì theo đuổi nó đến cùng. Bạn chỉ ngồi đó, ‘thích’, ‘mơ’, tưởng tượng ra những thành công rực rỡ bạn sẽ đạt được nếu bạn theo đuổi sở thích, ước mơ, đó chưa phải là đam mê. Vậy thì sở thích, ước mơ + nỗ lực bền bỉ mới trở thành -> đam mê.
Vậy, cái gì sẽ tạo ra cho bạn nỗ lực bền bỉ để biến sở thích, ước mở trở thành đam mê và vĩnh viễn thay đổi cuộc đời bạn theo hướng tốt đẹp hơn?
Theo tôi, yếu tố đầu tiên cho bạn một quyết định để nỗ lực bền bỉ đó là sự hiểu biết rõ ràng về cái mình đang theo đuổi. Khi bạn hiểu rõ về sở thích, ước mơ của bản thân, về mục tiêu mình lựa chọn, bạn mới yêu nó, có lí do để nỗ lực bền bỉ theo đuổi nó, trao cho nó thời gian, sức lực, tâm huyết và gắn liền cuộc sống của mình với nó.
Yếu tố thứ hai, mang tính quyết định, là sở thích, ước mơ đó phải liên quan đến các sở trường của bạn. Một khi bạn muốn gắn liền cuộc đời mình với một công việc bạn yêu thích, muốn nó trở thành một đam mê của bạn, công việc đó nhất định phải là sở trường của bạn. Tại sao ư? Nỗ lực bền bỉ, ta có thể hình dung nó giống như một động cơ, bạn phải liên tục tiếp nhiên liệu cho nó. Khối nhiên liệu ban đầu, dù nhiều, nó sẽ ít dần và cạn kiệt. Chẳng thể nào đảm bảo động cơ của bạn sẽ ngừng hoạt động tại một thời điểm nào đó không mong muốn nếu không liên tục tiếp nhiên liệu cho nó. Nỗ lực bền bỉ cũng vậy, bạn yêu thích một công việc nào đó nhưng chẳng thể có khả năng làm tốt được nó, khối quyết tâm lúc đầu sẽ dần dần vơi đi và cạn kiệt. Cuối cùng mọi quyết tâm sẽ dừng lại nếu không được liên tục bồi đắp thêm. Khả năng làm tốt công việc sẽ giúp bạn tiếp thêm ‘nhiên liệu quyết tâm’. Tại sao vậy? Có thể bạn không để ý, mọi người đều có xu hướng làm nhiều hơn những điều bạn làm tốt. Bạn học giỏi toán ư, bạn rất thích học toán, bạn thích cảm giác được mọi người tán dương, công nhận khi bạn giải ra các bài toán những người khác chưa có lời giải hoàn chỉnh. Bạn không thể làm được những bài văn hay? Bạn sẽ rất nhanh chóng chán môn văn và tìm đủ mọi lí do để không học nó. Vậy thì:
Bạn làm tốt một công việc -> mọi người công nhận -> bạn được tiếp thêm nhiên liệu quyết tâm -> Bạn tiếp tục làm công việc đó
Đó là cách mà nhiên liệu quyết tâm được tiếp cho mỗi người. Nó diễn ra theo một chu trình khép kín. Sự công nhận của những người xung quanh, sự hài lòng về những gì bạn đã làm từ chính bạn sẽ nâng cao lượng nhiên liệu quyết tâm bạn được tiếp, cho bạn động lực làm những điều tốt hơn, to lớn hơn. Vậy điều cần nhớ ở đây là yếu tố đầu tiên bắt đầu chu trình đó, yếu tố quyết định tạo ra sự nỗ lực bền bỉ là bạn phải làm tốt được công việc bạn chọn. Nói cách khác, đam mê của bạn cần được bắt nguồn từ những sở trường của bạn.
II. CÁCH TÌM ĐAM MÊ & THEO ĐUỔI ĐAM MÊ
Sau khi đã có cái nhìn sơ qua về thành phần cấu tạo nên đam mê, chúng ta lại hỏi: Đâu là cách tìm ra niềm đam mê đích thực của cuộc đời mình?
Rất nhiều người muốn chấm dứt một cuộc sống theo guồng quay nhàm chán, đi tìm ý nghĩa cuộc sống, đi tìm một niềm đam mê đích thực của cuộc đời. Sau đây tôi xin đưa ra một vài gợi ý về cách tìm kiếm niềm đam mê cho các bạn.
Như tôi đã nói, đam mê phải xuất phát từ một trong các sở trường của các bạn. Sở trường chính là những công việc ta làm tốt, làm giỏi. Vậy để xác định sở trường, đam mê, ta phải thực hành, ta phải làm thử. Không thể chỉ ngồi đấy mà nghĩ về quá khứ người này bảo ta có năng khiếu cái này, làm giỏi cái kia. Hãy thực tế chút đi. Bạn phải làm đủ nhiều để biết bạn làm giỏi hay không. Làm nhiều cũng là cách để chúng ta biết được mình có thích công việc đó hay không, có muốn công việc đó trở thành đam mê gắn liền với cuộc đời bạn hay không. Vậy rõ ràng để tìm được chính xác đam mê, ta phải bước ra ngoài, thử tất cả cách công việc bạn thấy mình có sở trường. Nếu bạn thích kinh doanh ư? Ra ngoài, và tập bán hàng đi. Bạn có thể làm nhân viên bán hàng của một công ty nào đó, hoặc tự mình tạo ra những dự án kinh doanh nho nhỏ. Bạn hâm mộ Ironman, bạn muốn trở thành một chuyên gia về điện tử, hay công nghệ thông tin ư? Hãy mua những quyển sách dạy bạn làm việc đó, lên google và bắt đầu tìm tòi để làm ra những mạch điện tử, các phần mềm đi. Những mạch điện tử, phần mềm cơ bản không quá khó để thực hiện, và bạn có thể dễ dàng làm được theo những hướng dẫn có sắn trên mạng hoặc trong sách. Tôi tin rằng những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế khi bắt đầu công việc là cách tốt nhất để bồi đắp thêm cho bạn sự yêu thích, sự mong muốn, khát khao đạt được những thành tựu trong công việc đó.
Tôi có rất nhiều người bạn đã tìm được niềm đam mê cho cuộc đời mình. Hầu hết họ đã thử qua nhiều công việc khác nhau. Họ không ngại thử, bởi họ hiểu rằng chỉ có va chạm với cuộc sống mới giúp họ tìm ra được điều mình mong muốn, tìm ra được hướng đi cho cuộc đời của mình. Nếu bạn nói với tôi cuộc sống quá ngắn ngủi để chúng ta đi thử làm rất nhiều các công việc khác nhau để tìm cho mình một niềm đam mê thực thụ? Nhiều bạn lại sợ những sóng gió, những bất ổn với cuộc đời của bạn khi bạn không đi theo những con đường mà gia đình, cha mẹ đã hướng sẵn cho bạn. Xin thưa không tìm được niềm đam mê đích thực trong cuộc đời mình mới là điều đáng sợ nhất. Nếu bạn đi theo những con đường đang có sẵn trước mặt, hay để cho dòng đời xô bạn vào một con đường nào đó rồi bạn lí luận rằng bạn sẽ cố gắng làm mọi việc một cách tốt nhất có thể để tạo ra một cuộc sống tốt, có thể đó sẽ không phải lựa chọn hay. Nếu bạn nghe cha mẹ, xã hội nói nghề này sẽ giúp bạn kiếm nhiều tiền, nghề kia giúp cuộc sống ổn định, bạn mong nó sẽ tốt cho mình, rất có thể một ngày nào đó, ngay trong trường đại học bạn nhận ra chẳng bao giờ bạn có cảm hứng với những môn học liên quan đến chuyên ngành đó, hoặc tệ hơn đến lúc đi làm, mỗi ngày đối với bạn sẽ tràn đầy những áp lực của công việc. Bạn sẽ phải cố làm mọi việc cho nhanh, cho kịp deadline, cho thời gian trôi đi để cuối tháng có tiền lương. Nếu bạn chấp nhận sống như vậy, bạn đã đánh mất đi sự lựa chọn lớn nhất của cuộc đời mình rồi: lựa chọn về những công việc bạn làm. Mỗi người chỉ sống một lần, và nếu bạn không theo đuổi đam mê, theo đuổi mục đích sống của riêng cá nhân bạn, làm sao bạn thấy được giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc sống, làm sao bạn ghi lại dấu ấn cá nhân của chính bạn trên những bước đường bạn đã đi qua?
Ngay từ bây giờ, nếu bạn chưa tìm được đam mê, hãy:
- Phân tích cho bản thân thấy rõ sự cần thiết của việc tìm kiếm niềm đam mê.
- Kiên định tìm kiếm niềm đam mê trong những sở trường, những công việc mình yêu thích, gạt bỏ mọi ảnh hưởng từ bên ngoài như gia đình, xã hội. Bạn hãy nhớ chỉ bạn mới có quyền quyết định cuộc đời bạn sẽ trở nên như thế nào.
- Bắt tay vào thực làm các công việc sở trường, công việc bạn yêu thích. Hãy nhớ chỉ có như vậy mới giúp bạn quyết định bạn có thực sự muốn kiên trì theo đuổi công việc đó hay không.
Và, khi chúng ta đã tìm được niềm đam mê của cuộc đời rồi, chúng ta cần tìm con đường để theo đuổi đam mê đó.
Theo tôi có một số nguyên tắc cần thiết trong quá trình theo đuổi đam mê:
+ Làm theo kế hoạch: Vì theo đuổi đam mê là mục tiêu, là lẽ sống của cả cuộc đời, ta cần nghiêm túc thực hiện nó theo một kế hoạch để đảm bảo tính bền vững. Hãy đặt ra kế hoạch 5 năm, 10 năm cho cá nhân bạn và chia nhỏ thành các kế hoạch theo từng năm, từng tháng, từng ngày. Kế hoạch sẽ tạo ra sự bền bỉ giúp ra theo đuổi mọi đam mê.
+ Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước: Bạn theo đuổi đam mê với máy tính vì hâm mộ Bill Gates? Hãy học hỏi những kinh nghiệm từ ông ấy, học cách ông ấy say mê với phát triển phần mềm, học cách ông ấy điều hành một công ty máy tính. Học kinh nghiệm từ những người đi trước sẽ giúp chúng ta tránh được những sai lầm không đáng có khi theo đuổi niềm đam mê. Đọc sách và xem các tài liệu trên mạng là cách rất tốt để học hỏi.
Tôi mong bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn phần nào trong việc lựa chọn và theo đuổi đam mê của cuộc đời mình. Hãy nhớ rằng tìm kiếm và theo đuổi đam mê không lúc nào là muộn. Chỉ khi tìm được đam mê, theo đuổi đam mê, mỗi ngày được làm những công việc mình thích chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống.