Trái với những gì người ta thường nói, sự luyện tập chưa chắc đã đem đến sự hoàn hảo; tuy nhiên, nếu bạn chịu khó tập luyện, chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn! Có rất nhiều phương pháp thực hành mà bạn có thể áp dụng để cải thiện chất giọng, từ việc học cách hít thở sao cho đúng đến việc tránh một số loại thực phẩm nhất định và thử các bài tập khởi động đặc thù trước khi hát hoặc nói. Những giải pháp này không có tác dụng tức thời, nhưng với thời gian và sự khổ luyện, bạn hoàn toàn có thể nâng cao được chất lượng giọng của mình. Sau đây là nghesitangai.com sẽ đưa ra quá trình 5 bước để luyện tập một giọng nói hay
5 bước để có một giong nói hay
Phần 1: Hít thở và có tư thế đúng
1. Học cách hít thở. Hít thở đúng cách là điều bắt buộc để có giọng khỏe. Chìa khóa ở đây là hít thở sâu:
- Khi hít vào và thở ra, bạn cần cố gắng làm phồng vùng bụng và thận (đằng sau lưng). Để chắc chắn rằng rằng bạn đang hít thở tại những vùng này, bạn có thể chống hai tay lên eo, hai ngón cái đặt sau lưng, các ngón còn lại đặt phía trước, lòng bàn tay úp xuống. Bạn sẽ cảm thấy hai bàn tay mở ra và thu lại theo từng hơi thở. Dần dần, khi bạn tập luyện cho hơi thở khỏe hơn, độ mở ra và thu lại của bàn tay sẽ dần dần rộng hơn và lâu hơn.
- Nếu thấy khó khăn trong việc thở sâu, bạn có thể thử nằm ngửa trên sàn, hai bàn tay đặt lên bụng. Khi hít vào, hai bàn tay phải được nâng lên; khi thở ra, bàn tay sẽ hạ xuống.
- Lưu ý rằng hai vai không nên nhô lên và hạ xuống theo hơi thở.
2. Sử dụng cơ bụng. Nếu bạn hít thở đúng, khi hít vào, các cơ thấp hơn trên bụng (cơ hoành) cần phải chuyển động ra xa, tạo thêm không gian cho không khí vào nhiều hơn. Khi hát (hoặc nói, hoặc đơn giản là thở ra), bạn cần dùng các cơ này để đẩy không khí ra ngoài.
- Dùng các cơ vùng thắt lưng (xung quanh thận) đúng theo cách mà bạn kiểm soát qua trình hít vào và thở ra.
3. Học cách tạo tư thế đúng. Chú ý vị trí của hai bàn chân, đầu gối, hông, bụng, ngực, vai, cánh tay và đầu:
- Hai bàn chân đặt cách nhau một khoảng nhỏ, chân nọ đặt trước chân kia một chút, sao cho trọng lượng hơi dồn về phía trước.
- Hai đầu gối nên thả lỏng và hơi chùng xuống. Bạn thường có xu hướng căng cứng đầu gối khi cố gắng giữ đúng tư thế; hãy cẩn thận đừng làm như vậy.
- Hai bàn tay thả lỏng hai bên sườn.
- Bụng cũng nên thư giãn nhưng siết lại. Để biết bụng đã siết lại chưa, bạn có thể đặt hai tay lên eo (ngón cái phía sau lưng) và ho thật khẽ.
- Hai vai cần hơi đưa ra sau và hạ xuống một chút sao cho lưng thẳng và đầu ngẩng cao. Không khom vai hoặc nhô hai vai lên cao.
- Ngực phải hơi vươn ra và nâng lên cao – bạn sẽ tự nhiên có tư thế này nếu đưa vai ra sau và hơi hạ xuống.
- Cằm đặt song song với mặt sàn – không hất lên mà cũng không cúi xuống.
- Luyện tập như thế nào để có giọng nói hay
4. Thả lỏng. Khi đã vào tư thế đúng, hãy kiểm tra lại để chắc chắn rằng không bộ phận nào bị căng thẳng. Tư thế của bạn phải không có vẻ như đang cố gắng ưỡn ngực hoặc thẳng lưng. Nhớ thả lỏng mặt và cổ.
- Việc hát hoặc nói trong khi cơ thể và mặt căng thẳng sẽ chỉ khiến bạn khó phát ra âm thanh hay
Phần 2: Giữ khẩu hình đúng
1. Miệng phải mở nhưng thả lỏng. Bạn nên mở rộng miệng khi hát, nhưng đừng mở quá lớn đến mức làm căng các cơ ở mặt và cổ. Kiểm tra lại để đảm bảo môi, hàm và cổ được thả lỏng và thư giãn.
2. Nâng cao ngạc mềm. Một lời khuyên phổ biến của các ca sĩ chuyên nghiệp là tạo không gian trong miệng. Mở rộng miệng là một phần trong việc thực hiện điều này; phần khác là hạ hàm và lưỡi xuống, đồng thời nâng ngạc mềm lên (phần thịt ở vòm miệng).
- Để thực hiện điều này, bạn hãy hít vào như khi sắp ngáp, nhưng cố gắng đừng ngáp. Chú ý đến không gian trong miệng, bao gồm cảm giác mở ở cuống họng. Bạn cần thực hiện lại động tác mở rộng miệng, hạ hàm/nâng ngạc mềm trong khi hát.
3. Đảm bảo lưỡi phải đặt ở vị trí đúng. Khi tạo không gian trong miệng, bạn cần đảm bảo không để lưỡi ngáng đường. Lưỡi phải nằm nhẹ nhàng bên dưới, đầu lưỡi chạm vào sau hàm răng dưới.
- Cố gắng không thè lưỡi hoặc đưa lưỡi qua lại trong miệng khi đang hát, vì điều này sẽ làm giảm chất lượng giọng hát và có thể làm nghèo đi âm sắc của bạn.
4. Nhớ nuốt. Nước bọt quá nhiều trong miệng sẽ gây khó khăn khi hát, vì vậy bạn cần nhớ nuốt trước khi cất giọng!
LÀM SAO ĐỂ CẢI THIỆN GIỌNG NÓI
Phần 3: Áp dụng các bài luyện thanh để có giọng khỏe
1. Khởi động. Các bài tập khởi động giọng đơn giản sau đây sẽ giúp ích cho bạn trước khi hát hoặc tập các bài luyện thanh:
- Ngáp. Động tác ngáp sẽ giúp làm giãn, mở miệng và họng, đồng thời giúp giải tỏa sức căng ở cổ và cơ hoành. Để kích thích ngáp, bạn hãy thử mở miệng thật lớn và hít vào.
- Ho thật nhẹ. Cứ nghĩ như là bạn đang đẩy không khí ra khỏi họng khi bật ra những luồng hơi ngắn. Điều này sẽ giúp bạn sử dụng các cơ bắp vùng ngực dưới và cơ bụng, vốn là các cơ bắp mà bạn sẽ dùng khi hát (trái với họng/phần ngực trên).
- Rung môi nhẹ. Hai môi chạm nhẹ vào nhau và thổi hơi ra, đồng thời phát ra âm thanh brưm…brưm… Chú ý cổ họng phải thả lỏng và cơ bụng phải siết lại khi đang thực hiện động tác này. Bạn nên tập rung môi từ nốt thấp đến nốt cao hoặc ngược lại. Một khi đã quen với động tác rung môi, bạn hãy dùng phương pháp này để luyện tập thang âm.
- Để giúp cơ thể học cách thư giãn khi hát, bạn hãy căng cơ thể và thả lỏng ngay sau đó, rung môi từ nốt thấp đến nốt cao; lặp lại, lần này bắt đầu từ nốt cao đến nốt thấp.
- Ngâm nga trong cổ họng cũng là một cách nhẹ nhàng khác để khởi động giọng hát. Thử ngâm nga theo nhạc trên đường tới trường hoặc nơi làm việc, hoặc nếu không thích làm việc này nơi công cộng, bạn có thể ngâm nga trong lúc nấu ăn hoặc khi đang tắm.
2. Hát các thang âm. Bắt đầu bằng nốt thấp nhất mà bạn có thể hát được một cách thoải mái, dần dần lên những nốt cao hơn với âm “mi” cho đến khi bạn đạt được nốt cao nhất có thể. Sau đó, dùng âm “i” để hát từ nốt cao nhất xuống nốt thấp nhất.
- Đừng quá gắng sức với âm vực của bạn – hãy nhẹ nhàng và nâng cao dần dần.
- Bạn cũng có thể thực hành luyện thang âm bằng âm “o”.
3. Luyện thang âm với âm “u”. Với cách luyện thanh này, khẩu hình miệng phải trông như bạn đang hút một sợi mì thật dài khi hít vào. Khi thở ra, bạn hãy phát ra tiếng “u”. Âm thanh phải nghe vu vu như tiếng sáo cadu. Giữ cho âm thanh ổn định khi thở ra; thực hiện 2-3 lần.
- Tiếp theo, luyện thang âm với âm “u” từ thấp lên cao và ngược lại.
4. Luyện cách phát âm mượt mà với các từ và ngữ. Nói các nhóm từ riêng lẻ hoặc một cụm từ mà không ngắt hơi giữa các từ như thể đó là một từ. Kéo dài và nhấn mạnh vào nguyên âm của từng từ khi bạn nói và/hoặc hát lên từ đó.
- Khi nói/ hát, bạn hãy tưởng tượng như đang làm cả phòng âm vang với giọng của bạn.
- Tập trung vào những phần chuyển tiếp mượt mà: khi chuyển sang nốt cao hoặc thấp hơn, hay chuyển tiếp giữa các đoạn hát to hơn hoặc nhỏ hơn của một bài hát, bạn hãy hình dung như mình đang lướt trên bờ dốc thoai thoải – không như lên xuống cầu thang.
- Một số từ có thể làm ví dụ: mong manh mơn man mượt mà.
- Cụm từ có thể làm ví dụ: màn mưa mênh mông miên man.
5. Đừng ngại trông có vẻ ngớ ngẩn. Nhiều bài tập luyện thanh nghe hơi buồn cười. Bạn cứ thoải mái và vui vẻ với điều đó. Sau đây là hai bài tập vui nhộn và ngộ nghĩnh giúp bạn mở cổ họng:
- Hát âm “meoooo” chầm chậm, nhấn mạnh vào ba âm – mi, a và ooo.
- Làm mặt xấu bằng cách thè lưỡi ra mọi hướng. Bạn có thể thực hiện động tác này khi đang hát hoặc thậm chí chỉ phát ra âm thanh kỳ lạ.
6. Thả lỏng. Tương tự như các bài tập thể chất, việc thả lỏng sau khi tập luyện thanh cũng là điều quan trọng. Một cách để thả lỏng là thực hiện lại bài tập khởi động đơn giản ban đầu (ví dụ, ngáp, ho nhẹ, rung môi và ngâm nga).
- Một cách khác để thả lỏng chỉ là nhẹ nhàng lướt lên và xuống, xuống và lên với âm “m” sao cho bạn cảm nhận được cảm giác rung râm ran trong vùng môi/mũi.
7. Nhớ hít thở và thư giãn. Cho dù là đang khởi động, hát hoặc phát biểu, việc hít thở sâu và thả lỏng cơ thể, cổ họng và mặt là điều then chốt để đảm bảo có giọng hay.
Phần 4: Thay đổi lối sống để có giọng khỏe mạnh
1.Uống đủ nước. Uống ít nhất 6-8 ly nước 240 ml mỗi ngày – uống nhiều hơn nếu bạn tập luyện thể dục thể thao hoặc ở trong vùng khí hậu nóng (nghĩa là đổ nhiều mồ hôi).
Cách luyện tập để có giọng nói hay
2. Ăn các loại thực phẩm để giữ giọng. Ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả và rau có lợi cho một chất giọng khỏe mạnh nhờ tác dụng giữ cho lớp màng nhầy trong cổ họng được khỏe mạnh.
3. Tránh các chất kích thích dây thanh đới. Những chất này bao gồm khói thuốc lá (kể cả khói thuốc lá gián tiếp), thức ăn cay, các sản phẩm sữa, thức ăn có hàm lượng muối cao (ví dụ như thịt ba rọi xông khói hay đậu phộng rang mặn), hoa quả có múi, cồn (kể cả các loại nước súc miệng có chứa cồn), các loại thuốc cảm và thuốc chữa dị ứng.
4. Ngủ đủ giấc. Sự mệt mỏi trong cơ thể sẽ biểu hiện ở giọng của bạn. Người trưởng thành cần ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm; trẻ vị thành niên cần ngủ 8,5 đến 9,5 tiếng mỗi đêm.
- Nếu bạn đã ngủ ít nhất 7,5 tiếng mỗi đêm nhưng không thấy khỏe khoắn khi thức dậy, hãy đến bác sĩ để đảm bảo không có nguyên nhân tiềm ẩn nào gây nên tình trạng này.
5. Thư giãn. Sự căng thẳng tác động tiêu cực lên mọi thứ. Mỗi ngày bạn nên dành thời gian để làm một việc nào đó giúp mình thư giãn. Các hoạt động thư giãn bao gồm yoga, thiền, đi bộ, xem một chương trình mà bạn yêu thích, đọc một cuốn sách hay hoặc chơi một loại nhạc cụ.
6. Tránh la hét. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn sắp có buổi biểu diễn. La hét có thể làm lạc giọng và giảm chất lượng âm thanh thậm chí đến vài ngày sau.
7. Nhờ giúp đỡ. Nếu chất lượng giọng của bạn gần đây bị giảm sút, khàn, trầm hơn hoặc bị lạc giọng – có thể đó là những dấu hiệu cho thấy bạn có vấn đề về sức khỏe. Để chắc chắn, bạn nên đến gặp bác sĩ nhằm loại trừ các vấn đề tiềm tàng về sức khỏe.
8. Kiên trì. Việc nâng cao chất lượng giọng có thể phải mất nhiều thời gian. Kết quả sẽ không thể đến nhanh như một phép màu, nhưng bạn có thể cảm thấy sự khác biệt gần như ngay lập tức sau khi kết hợp kỹ thuật hít thở và giữ tư thế đúng với một số bài tập khởi động đơn giản.
- Cứ từ từ. Bạn có thể bắt đầu bằng việc học cách hít thở sâu hơn và đứng với tư thế đúng. Một khi đã cảm thấy thoải mái với điều đó, bạn có thể tập mở khẩu hình và một số bài tập khởi động đơn giản.
Phần 5: Học từ những người khác
1. Tìm thầy có chuyên môn giỏi. Một người thầy giỏi có thể đưa ra các phản hồi chi tiết và khuyên bạn làm thế nào để cải thiện chất lượng giọng. Bạn nên cố gắng tìm một người được huấn luyện nhạc cổ điển, vì giảng viên được đào tạo nhạc cổ điển thường có kinh nghiệm với nhiều phong cách nhạc khác nhau.
- Nếu không có điều kiện để thuê huấn luyện viên, bạn có thể tìm được nhiều bài học miễn phí trên mạng. Chỉ cần gõ “các bài học hát” hoặc “học luyện thanh” trên YouTube, và bạn sẽ tìm thấy vô số các video để lựa chọn.
2. Lắng nghe thật kỹ giọng của các ca sĩ và diễn giả chuyên nghiệp. Lắng nghe cách họ thở, âm lượng, cách phát âm, giữ hơi, các thói quen khi phát âm và độ vang trong giọng của họ. Nếu đặc biệt yêu thích phong cách của ai đó, bạn hãy thử xem có thể lặp lại như họ không.
- Bắt chước phong cách của người khác là một cách tuyệt vời để học hát, vì nó buộc bạn phải thử làm những điều mà có thể bạn sẽ không làm khi hát bình thường.
3. Xem các ca sĩ và diễn giả chuyên nghiệp trình diễn. Chú ý cách họ thở và cách họ hỗ trợ cho các nốt nhạc bằng hơi thở. Lưu ý đến tư thế và ngôn ngữ cơ thể của họ. Quan sát cách họ cử động môi để tạo ra âm thanh và những ca từ khi hát.
4. Đừng bỏ qua những người chuyên nghiệp mà bạn không thích. Nghĩ xem tại sao bạn không thích một ca sĩ hay một diễn giả nào đó. Họ làm điều gì khác những người bạn thích? Có gì sai trong cách thể hiện của họ, hay chỉ đơn giản là bạn không thích phong cách của họ?
5. So sánh giọng của một ca sĩ khi họ hát trực tiếp và trong bản thu âm của họ.Bạn sẽ kinh ngạc khi biết một kỹ sư âm thanh giỏi có thể làm được gì trong quá trình thu âm. Nếu thực sự thích những bản thu âm của một ca sĩ nào đó, bạn hãy cố đoán xem bao nhiêu phần là giọng thật của họ và bao nhiêu phần là được chỉnh sửa trước khi kết luận rằng “giọng mình sẽ chẳng bao giờ được như vậy!”
6. Đến các buổi trình diễn của những ca sĩ không chuyên và các sự kiện âm nhạc khác ở địa phương. Hỏi những người có giọng hát mà bạn thích xem họ làm thế nào có được giọng hát đó. Phần lớn họ sẽ rất hãnh diện và vui lòng chia sẻ bí quyết với bạn.
Xem thêm: cách luyện giọng nói trầm ấm
Lời khuyên
- Khi muốn hát các nốt thật dài, bạn hãy hít thở từ cơ hoành (gần bụng) thay vì từ ngực. Việc hít không khí vào đầy cơ hoành sẽ giúp âm thanh ổn định và dài hơi hơn.
- Bạn nên hát “meooo” chầm chậm trước khi hát như một từ có 3 âm mi, a, và ooo. Điều này sẽ giúp mở cổ họng. Làm mặt xấu như thè lưỡi ra mọi hướng cũng giúp bạn mở cổ họng.
- Ca sĩ cần duy trì một chế độ ăn cân bằng và tránh các loại thức ăn có thể gây viêm họng hoặc các thức ăn lạnh như kem, thức uống lạnh, v.v…
- Những nguyên tắc trên có thể áp dụng khi nói.
- Không gì hữu ích hơn một người chuyên nghiệp hoặc ai đó giỏi trong lĩnh vực này. Bạn chỉ cần hỏi họ!
- Nhớ rằng nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến âm sắc trong giọng nói.
- Thêm chút mật ong vào nước ấm và uống vào sáng sớm, khi dạ dày còn rỗng.
- Thử phát ra các âm thanh ngẫu nhiên để giúp thư giãn giọng.
- Sự hồi hộp sẽ thể hiện qua giọng nói, vì vậy hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sự ổn định trong giọng của bạn.
- Không hát những nốt cao ngay. Bạn nên bắt đầu bằng những nốt thấp, sau đó từ từ chuyển sang các nốt cao hơn.
Cảnh báo
- Ca hát không gây đau. Nếu thấy có vấn đề, có lẽ bạn đang làm căng các cơ bắp, thở không đúng cách, giữ tư thế sai, cố bật ra nốt nhạc mà không mở cổ họng hoặc có thứ gì đó bị căng thẳng. Quan trọng là xác định vấn đề. Bạn chỉ cần thư giãn!
- Trái với điều người ta thường nghĩ, bạn ĐỪNG vắt chanh vào nước. Nó sẽ khiến giọng của bạn bị khô và lạc đi.